Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Không thêm biên chế để giảm 30% công chức cắp ô?

@ nguontinviet.com


(Trái hay Phải) – Bộ Nội vụ dự định “trong thời gian từ nay đến năm 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính”. Đấy là cái “cơ bản” còn cái “không cơ bản” thì vẫn tăng thêm?





Theo Dự thảo Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đang được Bội Nội vụ lấy ý kiến, có đưa ra kế hoạch trong thời gian từ nay đến năm 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính và số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới.

Kiên quyết ngăn ngừa, không để xuất hiện các hiện tượng có quy định về tổ chức bộ máy trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực. Có chính sách để đưa những người không đáp ứng yêu cầu ra khỏi công vụ và bổ sung những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào công vụ. Số công chức được tuyển dụng mới vào công vụ không quá 50% số lượng biên chế đưa ra khỏi công vụ do tinh giản biên chế, do năng lực, phẩm chất, sức khỏe yếu.


Đề án này sẽ được thực hiện trong 7 năm, từ 2014 đến 2020.











Thi công chức ở TP. HCM năm 2012.
Thi công chức ở TP. HCM năm 2012. Ảnh: TTO.

Đề án trên được Bộ Nội vụ đưa ra khi vài năm qua hệ thống công chức liên tục thực hiện chính sách tinh giảm biên chế, nhưng kết quả không thu được là bao, thậm chí còn phình thêm. Dù các lãnh đạo luôn nói là: đó là công tác thường xuyên, liên tục, quyết liệt, và thu được những kết quả nhất định…


Nhưng có lẽ từ nhiều năm trước biên chế quá nhiều, nên giờ dù đã trải qua vài năm thực hiện chính sách tinh giảm biên chế, trong bộ máy vẫn có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về - như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ít lần đề cập.


Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, bên cạnh những mặt được, việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế hiện nay chưa thực sự giảm được những người cần giảm, mục tiêu đưa ra chưa thực sự đạt được như mong muốn...


Đánh giá này quả nhiên đúng, vì thực tế đã có một số lượng không nhỏ công chức xin ra khỏi bên chế, chỉ có điều họ không phải theo chính sách thanh lọc biên chế, mà là họ “chán”, không còn thích làm cho nhà nước nữa nên xin chuyển ra làm tư nhân, số này đa phần là những người giỏi và có năng lực, còn người ở lại là vì không biết đi đâu. Nên có thể nói, không đạt được như mong muốn là vì vậy.


Tờ Tuổi trẻ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, lâu nay việc thực hiện tinh giản biên chế có lúc đặt ra mục tiêu giảm 15%, có lúc là 20%, nhưng đều không thực hiện được. Thực tế cho thấy áp đặt tỷ lệ là duy ý chí và sẽ không thực hiện được. Cần phải thay đổi tư duy, không chỉ đơn thuần giảm về số lượng mà tiến hành trên cơ sở quy định về vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị.


Qua phát biểu của Thứ trưởng Tuấn mới thấy rằng công cuộc tinh giảm biên chế thật gian nan làm sao. Quyết tâm thì cứ gọi là có thừa rồi, tới mức sử dụng cả mệnh lệnh hành chính áp tỷ lệ giảm biên chế hằng năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, ấy thế mà vẫn không làm được, vậy thử hỏi thay đổi tư duy thì làm được gì?


Cái sự khó trong việc tinh giảm biên chế được thể hiện rất rõ qua hầu hết các báo cáo của đơn vị công quyền, các địa phương khi báo cáo nào cũng có câu: “Do lực lượng thiếu và yếu nên… vì vậy, cần thiết xin cấp trên cho bổ sung lực lượng, tăng cường nhân sự…”. Đâu đâu cũng vậy thì thử hỏi làm sao mà giảm được?


Và quả thực, cái sự “thiếu và yếu” đó của cán bộ cơ quan công quyền đã được thể hiện rất rõ, khi tội phạm hoành hành, hoạt động công khai và có tổ chức, buôn lậu không thể khống chế, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, 5 Bộ quản lý một mâm cơm mà thực phẩm bẩn độc vẫn đầy mâm… Cũng vì thiếu nên xử lý công việc phải ưu tiên cái quan trọng trước, thành ra cái lá thư cảm ơn nước bạn mất 29 ngày để soạn vì nó đâu có gì quan trọng, tới những hồ sơ xin cấp phép của người dân, doanh nghiệp mà còn phải đợi cả tháng, thậm chí hơn thì cái lá thứ 29 ngày kia đã là nhanh lắm rồi.


Rồi tới những văn bản, quy định được xây dựng trên tinh thần “hành động là chính”, nên khi đưa ra lấy ý kiến, hoặc thực hiện bị người dân phản đối vì không khả thi, thiếu thực tế. Thanh ra giờ có thêm tinh thần “sai thì sửa”, “không khả thi thì hủy bỏ làm cái khác” đâu vấn đề gì. Dù sao thì tiền ngân sách chi cho các dự án nghiên cứu và ban hành văn bản, quy định cũng đã chi, ta đã cầm và đã tiêu rồi thì còn ai đòi lại được nữa.


Sản phẩm dù có không tốt thì vẫn được làm ra, ít hay nhiều thì vẫn mất chất xám vào đó, vậy thì tất nhiên cuối năm phải khen thưởng, động viên, không xuất sắc thì cũng phải tiên tiến, cũng phải tăng lượng, cất nhắc nọ kia chứ. Phải kịp thời động viên khen thưởng thì công việc mới hiệu quả, nếu không công chức tới cơ quan chán đế chế lại chuyển sang nghiên cứu tài liệu của phỏm online, ngày hôm sau thì xem lại công việc của ngày hôm trước.


Những cái đó nói ra đây để quý vị thấy công cuộc tinh giảm biên chết vẫn còn rất gian nan, quý vị phải hiểu và thông cảm cho cái khó của lãnh đạo, cơ quan cấp trên. Lấy đó làm động lực lao động đóng góp thuế, phí nhiều hơn nữa để ngân sách có tiền trả lương cho đội ngũ cán bộ, công chức cắp ô đi – về, đợi tới tuổi hưu chúng ta sẽ cho họ về vườn.








Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện ở nước ta tính đến hết năm 2012 là 388.480 biên chế (không bao gồm viên chức và biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).

Tổng biên chế cán bộ, công chức cấp xã là 257.675 người.




.




Đăng ký: Bản tin Phụ nữ & Gia Đình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét